Nhiều doanh nghiệp kéo dài thời gian nợ thuế để chiếm dụng tiền thuế đầu tư sản xuất
Báo cáo tại hội nghị về chống thất thu, nợ đọng thuế diễn ra ở Hà Nội mới đây, ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết: Các doanh nghiệp (DN) đang nợ thuế hàng ngàn tỉ đồng do tình hình kinh tế khó khăn, làm ăn thua lỗ.
Đình chỉ xuất nhập cảnh chủ doanh nghiệp
Một số DN lớn nợ thuế điển hình như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Than Thành Công, Công ty Bia và Nước giải khát Phú Yên, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty Cavico, Hoàng Anh Gia Lai… nợ thuế từ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng.
Ông Lê Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, cho biết TPHCM có khoảng 400 DN nợ thuế, trong đó cũng có một số DN thuộc dạng nợ khó đòi là các DN Nhà nước đã nhiều năm thua lỗ, gần phá sản. Đúng theo quy trình, hết thời hạn nộp thuế mà DN chưa nộp sẽ bị tính lãi trả chậm. Nợ thuế quá 90 ngày, cơ quan thuế sẽ phong tỏa tài khoản DN tại các ngân hàng, thu hồi tiền từ bên thứ 3, đình chỉ sử dụng hóa đơn, đề nghị thu hồi mã số thuế và dừng xuất nhập cảnh đối với chủ DN…
Nộp thuế là quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với quốc gia.
Trong năm 2011, có khoảng 300 chủ DN tại TPHCM bị đình chỉ xuất nhập cảnh và biện pháp này khá hiệu quả (nhất là DN nước ngoài) trong việc thu hồi nợ thuế. Đa số chủ DN sau khi bị đình chỉ xuất nhập cảnh đều trả một phần nợ thuế để được phép đi lại kinh doanh. Riêng biện pháp cuối cùng là kê biên tài sản, phát mãi để thu nợ thuế khó thực hiện vì nếu là DN Nhà nước nợ thuế thì không thể kê biên tài sản.
Còn đối với DN tư nhân nếu đã đến mức kê biên tài sản thì cũng không còn tài sản gì đáng giá. Cũng theo ông Lê Xuân Dương, Cục Thuế chỉ được phép gia hạn nợ thuế cho các DN được Chính phủ cho phép và những DN bị hỏa hoạn, thiên tai bất ngờ.
Nợ thuế lợi hơn… vay ngân hàng
Theo một chuyên gia về ngành thuế, căn cứ theo luật, các DN sẽ bị xử lý cưỡng chế thuế nếu chậm nộp thuế quá 90 ngày, trừ các DN được gia hạn nợ thuế thì được kéo dài thời gian nợ theo thời gian được gia hạn. Vị chuyên gia này tính toán: Với mức phạt chậm nộp thuế chỉ 0,05%/ngày, tính ra chỉ mất 18%/năm. Như vậy, nếu không có biện pháp quản lý, sẽ có nhiều DN tìm mọi cách kéo dài thời gian nợ thuế. Cũng không loại trừ trường hợp DN làm ăn có lãi nhưng vẫn xin nợ thuế và dùng số tiền nợ đó đầu tư quay vòng vốn, rẻ và tiện lợi hơn nhiều so với vay vốn ngân hàng.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, Nhà nước và đặc biệt là ngành thuế cần triển khai ngay các biện pháp để giải quyết hàng ngàn tỉ đồng tiền nợ đọng thuế hiện nay. Đặc biệt, Thanh tra Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, thanh tra ngành thuế… cần thanh - kiểm tra để xác định DN có minh bạch tài chính, kê khai thuế đúng quy định và có hay không việc DN có lợi nhuận nhưng chây ì nghĩa vụ nộp thuế và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm gian lận thuế để hạn chế thất thoát ngân sách Nhà nước.